Pháp lý mua bán tiền điện tử 2021

Ở đa số các quốc gia trên thế giới, tiền mã hoá hay Bitcoin vẫn là những khái niệm đang nằm trong “vùng xám”. Hiện nay, có khoảng 130/257 quốc gia không cấm các giao dịch crypto. Trong đó, Hoa Kỳ, Canada, liên minh châu u, Úc, … là những quốc gia chấp nhận tiền mã hoá là hợp pháp.

Ngay từ những ngày đầu tiên cho đến nay, vấn đề pháp lý của tiền mã hoá là một trong những chủ đề mà rất nhiều người quan tâm. Sau khoảng 10 năm, Bitcoin dần chứng minh được tiềm năng của mình và cũng nhận được nhiều ý kiến ủng hộ hơn từ cộng đồng. Trong bài học này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu tình hình pháp lý và thái độ của cộng đồng đối với Bitcoin ở thời điểm hiện tại.

Mua bán Bitcoin ở Việt Nam có hợp pháp không?

Cuối tháng 10/2017, Ngân hàng Nhà nước đã có thông báo chính thức về việc cấm sử dụng tiền thuật toán trong việc thanh toán trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Thông báo này dựa trên Khoản 6, 7 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung một số điều của NĐ101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt bao gồm Séc, Lệnh chi, Ủy nhiệm chi, Nhờ thu, Ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của NHNN.

Như vậy, Bitcoin và các loại tiền ảo khác sẽ không được coi là phương tiện thanh toán, việc cung ứng, phát hành và sử dụng các đồng tiền ảo là không hợp pháp. Mức phạt dao động từ 150-200 triệu đồng.

Ngoài ra, kể từ ngày 01/01/2018, vi phạm trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, trong một quy định khác, Bitcoin vẫn được pháp luật Việt Nam coi là tài sản ảo. Các cơ quan chức năng sẽ quản lý Bitcoin tương tự như với vàng hay các loại tài sản có giá trị khác. Điều này tức là mọi hoạt động mua bán, giao dịch Bitcoin không nhằm mục đích thanh toán vẫn hợp pháp. Người dùng có thể hoàn toàn mua, bán Bitcoin bằng VND. Đồng thời, người sở hữu Bitcoin để tích trữ là hoàn toàn hợp pháp.

Tình hình mua bán Bitcoin trên thế giới?

Ngay từ những ngày đầu Bitcoin ra đời và khai sinh ra “đế chế” tiền mã hoá, đã có những cuộc tranh cãi về quy định và thái độ đối với tiền mã hoá giữa Ngân hàng Trung ương, Chính phủ, và các nhà lập pháp. Đến nay, việc chấp nhận tiền điện tử có vẻ khả quan hơn nhưng vẫn rất ít các quốc gia chấp nhận hoàn toàn. Ở đa số các quốc gia trên thế giới, tiền mã hoá hay Bitcoin vẫn là những khái niệm đang nằm trong “vùng xám”.

Bản đồ pháp lý Bitcoin trên thế giới (Nguồn: ihodl)

Bây giờ, hãy cùng tìm hiểu tình hình pháp lý của Bitcoin trên thế giới:

Châu Mỹ (America):

  • Bitcoin được Chính phủ Liên bang Hoa Kỳ chấp nhận là hình thức thanh toán: Theo đó, người dân có thể dùng Bitcoin để thanh toán hàng hoá và dịch vụ, đóng thuế, … Ngoài ra, đào coin cũng hoàn toàn hợp pháp ở Hoa Kỳ.
  • Canada là một trong những quốc gia đầu tiên cho phép sử dụng tiền mã hoá: Theo đó, người dân Canada có thể giao dịch Bitcoin hợp pháp và đã có luật thuế cho tiền mã hoá tại Canada.
  • Bolivia là quốc gia duy nhất cấm Bitcoin ở Nam Mỹ: Bolivia cấm Bitcoin từ năm 2014. Đây là quốc gia
  • Bitcoin không bị cấm ở Argentina: Ở Argentina, không có quy định nào về việc cấm giao dịch Bitcoin. Vì thế, nó được coi là hợp pháp.

Châu Âu (Europe):

  • Bitcoin hợp pháp tại 45 quốc gia châu Âu: Theo đó, một số các đặc quyền dành cho Bitcoin ở thị trường châu Âu như các sàn giao dịch fiat-crypto được miễn thuế VAT tại Ireland, ra đời Ngân hàng tiền mã hoá hợp pháp tại Thuỵ Sĩ, v.v…
  • Macedonia là quốc gia duy nhất ở châu Âu cấm Bitcoin: Tất cả các hình thức trao đổi, đầu tư tiền mã hoá ở Macedonia đều được xem là vi phạm pháp luật.

Châu Á (Asia):

  • Bitcoin hoàn toàn hợp pháp ở Nhật Bản: Theo pháp luật Nhật Bản, Bitcoin được xem là tài sản hợp pháp và được quy định bởi FSA (Japan’s Financial Services Agency)
  • Hàn Quốc và Pakistan đang phát triển bộ luật cho tiền mã hoá: Hàn Quốc đang phát triển các quy định về tính minh bạch của các sàn giao dịch crypto. Trong khi đó, Pakistan điều chỉnh các quy định về tiền điện tử để chống lại tội phạm tài chính, bảo vệ nhà đầu tư
  • Giao dịch tiền mã hoá bị cấm ở Trung Quốc: Trung Quốc cấm các giao dịch ICO và có tin đồn về việc cấm khai thác Bitcoin. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc lại có kế hoạch cho đồng tiền kỹ thuật số của quốc gia này.

Châu Đại Dương (Australia and Oceania):

  • Tiền mã hoá hợp pháp ở Úc: Chính quyền Úc hợp pháp tiền mã hoá vào năm 2017. Đây là danh mục đánh thuế tại quốc gia này.
  • Bitcoin hợp pháp ở New Zealand: Ở New Zealand, Bitcoin có thể được sử dụng như một hình thức thanh toán, và có thể được sử dụng để trả lương. Thu nhập từ Bitcoin vẫn chịu thuế theo quy định.

Châu Phi (Africa):

  • Bitcoin hợp pháp ở hầu hết các quốc gia châu Phi: Hiện nay, tiền mã hoá hoàn toàn hợp pháp tại một số quốc gia như Nam Phi, Namibia, Zimbabwe, và Nigeria.
  • Chỉ có 3 quốc gia tại châu Phi cấm Bitcoin: Algeria, Ai Cập, and Morocco là các quốc gia cấm tiền mã hoá. Algeria cấm các giao dịch crypto từ năm 2017 và Ai Cập không cho phép sử dụng tiền mã hoá theo bộ luật Hồi giáo tại quốc gia này.

CBDC – Tiền mã hoá của chính phủ

CBDC (Central Bank Digital Currencies) hiểu một cách đơn giản là một hình thức tiền tệ mới của Ngân hàng Trung Ương (NHTW). CBDC được tạo thành bởi 2 yếu tố chính: tiền kỹ thuật số và công nghệ Blockchain. Như vậy, tiền kỹ thuật số của NHTW là một loại tiền điện tử được phát triển dựa trên công nghệ Blockchain và do NHTW đứng ra phát hành, đảm bảo.

Vào năm 2017, Ngân hàng Thế giới (The World Bank) ước tính rằng có khoảng 2 tỷ người không có tài khoản ngân hàng, 1/3 trong số đó sống ở châu Phi cận Sahara. Tương ứng với điều đó, trong những năm gần đây số lượng giao dịch tiền điện tử ở các nước Châu Phi cũng tăng lên đáng kể. Một trường hợp cụ thể, sự bùng nổ trong giao dịch Bitcoin ở Venezuela đã lên đến 17,1 tỷ bolivar (tiền pháp định của Venezuela) chỉ trong vòng bảy ngày vào tháng 2 năm 2019.

Bên cạnh đó, với các thiết bị thông minh và kết nối Internet, bất kỳ ai cũng có thể sử dụng tiền điện tử để gửi và nhận tiền với mức chi phí giao dịch thường thấp hơn đáng kể so với các giải pháp truyền thống. Tiền điện tử cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng như một loại tài sản dự trữ an toàn khi các nước phải đối mặt với siêu lạm phát.

Lúc này đây, các NHTW phải đối mặt với mối đe dọa rằng các cá nhân có thể lưu trữ, chi tiêu và di chuyển giá trị tài sản mà không phụ thuộc vào tiền pháp định. Đây là một mối đe dọa lớn đối với vai trò truyền thống của NHTW. Có thể nói rằng, các NHTW đã chịu áp lực khá lớn để đáp ứng với sự phát triển mạnh mẽ của tiền điện tử và nâng cao hiệu quả của hệ thống thanh toán. Và cuối cùng, như một lẽ tất yếu, các NHTW dù có “cổ hủ” đến đâu cũng phải thừa nhận những ưu điểm nổi bật của tiền điện tử và ứng dụng công nghệ Blockchain (công nghệ khai sinh tiền điện tử) vào phát triển đồng tiền kỹ thuật số của NHTW.

Ngược lại với thái độ e dè và tâm lý tiêu cực đối với tiền mã hoá (cryptocurrency), thái độ của các NHTW đối với Blockchain lại nhận được sự quan tâm và ưu ái đặc biệt. Bên cạnh đó, NHTW ở các cường quốc trên thế giới đang bước chân vào cuộc đua ra mắt đồng tiền kỹ thuật số của NHTW, và dường như Trung Quốc đang nắm giữ vị thế dẫn đầu. Một số ví dụ điển hình việc phát triển CBDC ở các quốc gia:

  • 02/04/2020, NHTW Pháp kêu gọi các công ty thử nghiệm đồng Euro kỹ thuật số vào lĩnh vực thanh toán
  • NHTW Thụy Điển cũng đang thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số E-krona
  • 06/04/2020, NHTW Hàn Quốc thông báo đang triển khai chương trình thí điểm CBDC
  • Tháng 10/2020, chính quyền Trung Quốc đã công bố tặng 10 triệu đồng kỹ thuật số Nhân dân tệ (CDBC của Trung Quốc), tương đương 1,5 triệu USD cho 50 người may mắn nhất theo hình thức quay số trúng thưởng. Đây là hoạt động nhằm gia tăng số người sử dụng và quảng bá cho đồng tiền kỹ thuật số Nhân dân tệ của nước này.

Như vậy, có thể nói Bitcoin và Blockchain đang dần được chấp nhận như một phần của nền tài chính chính thống, mặc dù tiền mã hoá vẫn đang nằm ở “vùng xám” pháp lý tại nhiều nơi trên thế giới. Hiện nay, có khoảng 130/257 quốc gia không cấm các giao dịch crypto. Trong đó, Hoa Kỳ, Canada, châu Âu, Úc, … là những quốc gia đã hợp pháp tiền mã hoá.